Quyền lợi khách hàng khi doanh nghiệp phá sản
Theo quy định Luật phá sản 2014, phá sản được hiểu là tình trạng của doanh nghiệp, mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. Do đó, doanh nghiệp chỉ được xem là phá sản khi có quyết định tuyên bố phá sản của tòa án theo quy định. Tuy nhiên, luật phá sản cũng quy định rõ trong trường hợp tòa án quyết định mở thủ tục phá sản, thì doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhưng phải chịu sự giám sát của Thẩm phán và quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Về quyền lợi của các khách hàng của doanh nghiệp trong thời gian giải quyết thủ tục phá sản, theo quy định tại Điều 62 Luật phá sản, khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện, nếu tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán nhận được từ hợp đồng vẫn còn tồn tại trong khối tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã thì bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, hợp tác xã có quyền đòi lại tài sản và thanh toán số tiền đã nhận của doanh nghiệp, hợp tác xã; nếu tài sản đó không còn thì bên giao kết có quyền như một chủ nợ không có bảo đảm đối với phần chưa được thanh toán.
Trường hợp việc đình chỉ thực hiện hợp đồng gây thiệt hại cho bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, hợp tác xã thì bên giao kết có quyền như một chủ nợ không có bảo đảm đối với khoản thiệt hại.
Như vậy, các khách hàng đang sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp sẽ được xem là các chủ nợ không có bảo đảm khi hợp đồng không được thực hiện hoặc bị đình chỉ thực hiện. Để đảm bảo quyền lợi, các khách hàng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Nội dung giấy đòi nợ phải đảm bảo các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật phá sản. Đồng thời có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc một só biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo toàn tài sản của doanh nghiệp như: kê biên, niêm phong tài sản của doanh nghiệp; phong tỏa tài khoản…
Về việc thanh toán nợ, theo quy định Luật phá sản đối với các khoản nợ có bảo đảm thì sẽ được thanh toán bằng tài sản bảo đảm đó, đối với các khoản nợ không có bảo đảm thì chỉ được thanh toán sau khi tài sản còn lại của doanh nghiệp đã được thanh toán cho chi phí phá sản, khoản nợ lương, BHXH, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động, các khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Như vậy, theo quy định luật phá sản dù doanh nghiệp có được tuyên bố phá sản nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc các nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với khách hàng được loại trừ. Tuy nhiên, phạm vi nghĩa vụ của doanh nghiệp lại chỉ xem xét trong phạm vi tài sản còn lại của doanh nghiệp. Là những khách hàng không có bảo đảm, không thuộc trường hợp được ưu tiên khi thanh toán nên rủi ro khách hàng không thu hồi được khoản nợ là rất cao và có nguy cơ mất trắng khi doanh nghiệp không còn tài sản để thanh lý hoặc không đủ để các khoản nợ.