Đánh ghen có vi phạm pháp luật không
1. Đánh ghen có phải là hành vi vi phạm pháp luật hay không? Chế tài xử lý như thế nào?
Cần phải xác định rõ và hiểu rằng hiện nay pháp luật chỉ xem hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng là hành vi vi phạm pháp luật. (hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng ở đây được hiểu là Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;)
Kết hôn thì ai cũng hiểu là như thế nào. Còn Chung sống như vợ chồng được hiểu là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình.
Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó..
Trường hợp người có vợ/chồng ngoại tình mà không kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác thì không phải là hành vi vi phạm pháp luật, có chăng chỉ xem là hành vi vi phạm về mặt đạo đức xã hội.
Hiện nay, pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người khác. Do đó, việc đánh ghen dưới hình thức dùng vũ lực hay dùng những lời nói, hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm đều có thể bị xem là hành vi trái pháp luật.
Về mặt chế tài, tùy từng tính chất mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi mà mình đã thực hiện.
2. Mức độ và hình thức đánh ghen như thế nào sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự?
Trên thực tế đã có nhiều vụ đánh ghen diễn ra và đã bị xử lý về hành chính hoặc hình sự như tội cố ý gây thương tích (Điều 134) nếu có hành vi gây thương tích cho người khác mà có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng nếu dùng hung khí nguy hiểm như dao, axit, kéo, gậy.. thì cũng vẫn bị truy cứu TNHS về tội này (hình phạt thấp nhất khung hình phạt tội này bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; khung hình phạt cao nhất bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân).
Bên cạnh đó, việc đánh ghen còn thông qua các hành vi như hành vi xé, cắt, lột quần áo rồi chửi bới, cắt tóc, bôi chất bẩn lên người bị đánh ghen…rồi quay video hoặc chụp ảnh rồi post lên mạng xã hội…thì có thể bị truy cứu TNHS về tội làm nhục người khác (Điều 155). Khung hình phạt thấp nhất tội này là bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Khung hình phạt cao nhất bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm
Thậm chí có một số trường hợp còn có thể bị truy cứu TNHS về tội giết người khi có hành vi tước đoạt tính mạng tình nhân của vợ/chồng mình.