Quy định về thời gian lao động nữ nghỉ hành kinh

Quy định về thời gian lao động nữ nghỉ hành kinh

Xin chào luật sư, tôi tên là Thủy – hiện tôi đang làm việc tại một công ty ở thành phố Hải Phòng. Tôi được biết Bộ luật LĐ 2019 có sửa đổi, bổ sung quy định về việc cho phép lao động nữ được quyền nghỉ 30p mỗi ngày trong kỳ kinh nguyệt, Tuy nhiên, nếu NLĐ nữ chúng tôi không nghỉ thì có được nhận thêm tiền lương không. Và cách tính tiền của chế độ này như thế nào? Mong luật sư tư vấn giúp. Cảm ơn luật sư!

Trả lời:

Trước đây theo quy định Bộ luật lao động năm 2012, lao động nữ trong thời gian hành kinh mỗi ngày được nghỉ 30 phút, thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo HĐLĐ. Trên thực tế có nhiều lao động nữ trong thời gian hành kinh do sức khỏe hoặc do nhu cầu công việc mà vẫn làm việc, không sử dụng thời gian nghỉ nêu trên.

Tuy nhiên, do Bộ luật lao động năm 2012 không có quy định về quyền lợi về tiền lương của lao động nữ trong trường hợp họ không nghỉ mà vẫn tiếp tục làm việc trong thời gian hành kinh. Điều này đã dẫn tới quyền lợi của lao động nữ bị ảnh hưởng, mặc dù họ không sử dụng thời gian nghỉ của mình để làm việc, nhưng họ không được trả thêm tiền lương khi họ làm việc trong thời gian mà luật cho phép họ được nghỉ ngơi mà vẫn được hưởng nguyên tiền lương.

Đến khi Bộ luật lao động năm 2019 được Quốc hội thông qua, cũng chưa có hướng dẫn chi tiết vấn đề này. Sau đó, phải đến ngày 14/12/2020 Chính phủ ban hành Nghị định 145/2020/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành ngày 01/02/2021) đã kịp thời hướng dẫn chi ết quy định nêu trên để đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ. Theo đó, tại khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định rõ về quyền lợi của lao động nữ nghỉ trong thời gian hành kinh như sau:

“Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động”.

Do đó, trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ trong thời gian hành kinh và có nhu cầu làm việc thì trước hết phải đăng ký hoặc thông báo với người sử dụng lao động hoặc cấp trên quản lý trực tiếp của mình và phải được sự chấp thuận từ NSDLĐ hoặc cấp trên quản lý trực tiếp của mình để đảm bảo việc nhận thêm tiền lương mà NLĐ đã làm trong thời gian được nghỉ.

Như đã phân tích ở trên, do đây là quy định mới được áp dụng. Nên thực tế có nhiều công ty chưa nắm được hoặc chưa biết cách thực hiện cho phù hợp. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho mình, bạn có thể kiến nghị tới công ty hoặc cấp trên quản lý trực tiếp của mình về việc lập sổ ghi chép hoặc bảng đăng ký làm việc trong thời gian nghỉ hành kinh của lao động nữ trông công ty. Như vậy, sẽ vừa đảm bảo thuận tiện cho việc đăng ký làm việc, vừa có căn cứ cho việc công ty tính tiền lương, chế độ cho NLĐ.

Về cách tính tiền lương khi NLĐ không có nhu cầu nghỉ trong thời gian hành kinh: bạn có thể lấy tiền lương của 1 ngày làm việc bình thường chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày để tính được tiền lương trong 1 giờ là bao nhiêu. Từ đó sẽ xác định được tiền lương của 30 phút nghỉ hành kinh mà bạn không có nhu cầu sử dụng.

0965159118